JLPT: Phân biệt các trợ từ dễ nhầm lẫn trong tiếng Nhật
Đối với người học tiếng Nhật, trợ từ là một phần tương đối khó. Nhiều lúc bạn sử dụng trợ từ nhưng thực sự không biết nó đúng hay sai. Ngay bây giờ hãy cùng đội ngũ Tadaima Japan tìm hiểu về các cặp trợ từ thường gặp (và cũng thường gây “lẫn”) khá nhiều trong tiếng Nhật nhé.
1. Phân biệt hai trợ từ に và で

a) Sự khác biết cơ bản giữa trợ từ に và で
- Trợ từ に dùng trong trường hợp chỉ nơi chốn
- Trợ từ で dùng trong trường hợp chỉ nơi mà đang diễn ra sự kiện, hành động gì đó
A: 教室に花があります。(kyoshitsu ni hana ga arimasu)
B: 教室で花があります。(kyoshitsu de hana ga arimasu)
Bạn lựa chọn đáp án nào trong A và B?
Đáp án ở đây là A, chỉ nơi mà sự vật là “hoa” đang tồn tại.
Một ví dụ khác: Tại phòng học có một kì thi.
A: 教室に試験があります。(kyoshitsu ni shiken ga arimasu)
B: 教室で試験があります。(kyoshitsu de shiken ga arimasu)
Đáp án lần này lại là B, chỉ nơi mà một sự kiện “kì thi” đang được diễn ra.
b) Trường hợp có thể dùng cả hai trợ từ に và で

Cũng giống như tiếng Việt, trong tiếng Nhật có trường hợp được dùng với cả 2 giới từ. Mặc dù là thực tế có một chút khác biệt nhỏ.
Hãy thử phân tích một số ví dụ dưới đây:
A: 田舎に暮らす。(Inaka ni kurasu)
B: 田舎で暮らす。(Inaka de kurasu)
Đều có nghĩa là “Sinh sống ở vùng quê” nhưng ở A nhấn mạnh vào địa điểm là “vùng quê” còn ở B thì người nói muốn nhấn mạnh vào hành động “sinh sống”.
A: ソファーに寝る。(Sofa ni neru)
B: ソファーで寝る。(Sofa de neru)
Đều có nghĩa là “Ngủ ở ghế sofa” nhưng ở A nhấn mạnh vào địa điểm “ghế sofa” còn ở B thì nhấn mạnh vào hành động “ngủ”.
2. Phân biệt hai trợ từ は và が
Ngay từ ngày đầu học ngữ pháp tiếng Nhật có lẽ các bạn đã tiếp xúc với một trợ từ rất chi đặc trưng là “は” rồi nhỉ.
Tuy nhiên, các bạn có biết một trợ từ có cách dùng gần giống với “は” làm nhiều bạn khi học lên N3 hay bị nhầm lẫn hay không? Đó là trợ từ “が”. Sau đây mình sẽ chia sẻ 5 quy tắc phân biệt は và が để các bạn có thể hiểu rõ hơn về cách dùng của hai trợ từ này.

a) Quy tắc 1
– Trước は là chủ thể cũ. Sau は là nội dung quan trọng mà người nói muốn truyển tải.
– Trước が là chủ thể mới, đồng thời là nội dung quan trọng mà người nói muốn truyền tải.
Ví dụ 1:
私は学生です。
Với ví dụ này. Chủ thể 私 là chủ thể mà ai cũng biết, còn cái người nói muốn nhấn mạnh, muốn mọi người chú ý vào là: 学生です (Tôi là học sinh đấy).
日本語はむずかしい。
Đúng theo Quy tắc, cái người nói muốn nhấn mạnh ở đây là tính chất KHÓ, rất khó của tiếng Nhật.

Ví dụ 2:
私が学生です。
Ở đây, các bạn có thể tưởng tượng ra 1 ngữ cảnh:
Trong một hội trường lớn rất nhiều người, không ai biết ai. Rồi có 1 người hỏi: “Ai là học sinh vậy?”
=> Thì người trả lời phải nói: “私が学生です”.
Và đương nhiên, cái mà người hỏi cũng như người nói muốn xác nhận là: 私 – chủ thể Watashi là học sinh chứ không phải ai khác.
Cho nên, với ngữ cảnh như trên, người trả lời cũng có thể chỉ cần nói: 私です là đủ hiểu (Vì nó là thành phần quan trọng)
b) Quy tắc 2
Trong các trường hợp SO SÁNH
=> Dùng は (wa):
Mục đích: Để nhấn mạnh sự khác biệt giữa 2 chủ thể cần so sánh.
この料理はおいしいですが、あの料理はあまりおいしくない。
(Món ăn này ngon, nhưng mà món kia thì không ngon lắm)
ひらがなは簡単です。でも、漢字は難しいです。
(Hiragana thì dễ, nhưng Kanji thì khó)

c) Quy tắc 3
Với những sự việc mà mình tự trải nghiệm, mình tận mắt nhìn thấy… rồi nói ra => Dùng が (ga)
Ví dụ ngữ cảnh cụ thể: Khi bạn đi chơi vườn bách thú:
あっ!サルが木に登っている。
(A! Con khỉ đang trèo cây)
ペンギンが泳いでいる。
(Chim cánh cụt đang bơi kìa)
お腹が痛い。
(Đau bụng quá!)
Vì tất cả đều là những việc bạn đang chứng kiến/ trải nghiệm qua… nên dùng が (ga) nhé!
d) Quy tắc 4

Để diễn giải, mô tả về chủ thể => DÙNG は (wa):
日本の富士山はとても有名ですよ。
(Núi Phú Sĩ của Nhật Bản nổi tiếng lắm đấy)
桜の季節はすごくきれいですよ。
(Mùa hoa Sakura đẹp lắm đấy)
e) Quy tắc 5
Khi đi cùng các từ phiếm chỉ: あの、この、その、あれ、それ、これ… => DÙNG は (wa)
あの人はだれですか?
(Người ở đằng kia là ai vậy?)
このパソコンは壊れました。
(Cái laptop này hỏng rồi)
Tất nhiên, mọi quy tắc và “mẹo” phân biệt cách sử dụng các trợ từ không bao giờ là tuyệt đối và chúng đều có những ngoại lệ. Tuy nhiên, trên đây là những quy tắc phổ biến nhất để phân biệt và sử dụng các trợ từ sao cho đúng văn phong và ngữ cảnh. Do đó, mọi người hãy ghi nhớ và nằm lòng nhé! Đừng quên theo dõi series JLPT để học tiếng Nhật cùng chúng mình nhé.